Thừa phát lại và nghề thừa phát lại

Thừa phát lại và nghề thừa phát lại là một lĩnh vực pháp lý còn xa lạ với đại đa số người dân, để giúp người dân có cái nhìn Tổng quan về Thừa phát lại và nghề Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại trình bày ngắn gọn như sau:

I. Thừa phát lại là ai, làm công việc gì ?

Thừa phát lại là người được Cơ quan Nhà nước Ủy quyền để làm các công việc về Thi hành án, Tống đạt giấy tờ, Lập vi bằng và một số công việc khác theo quy định của Pháp luật.

Mặt khác, Thừa phát lại còn có chức năng nhiệm vụ ghi nhận lại các sự kiện pháp lý, các giao dịch dân sự vô cùng phong phú, đa dạng trong xã hội nhưng chưa được quy định thuộc thẩm quyền của cơ quan nào, như một số sự kiện, hành vi thông qua việc Lập vi bằng.

Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

II. Những công việc cụ thể, Thừa phát lại được làm.

Thừa phát lại được Nhà nước giao cho thực hiện một số công việc cụ thể là:

1- Tống đạt (chuyển giao trực tiếp) giấy tờ, giấy mời, giấy báo, giấy triệu tập, quyết định, văn bản, tài liệu, hồ sơ… do Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan Thi hành án dân sự ban hành, tới người nhận là cá nhân, tổ chức, cơ quan.

2- Xác minh điều kiện thi hành án dân sự theo yêu cầu của  đương sự.

3- Trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự.

4- Lập vi bằng ghi nhận các thỏa thuận, sự kiện, hình ảnh, các giao dịch dân sự.

III. Một số trường hợp cụ thể trong việc Lập vi bằng:

- Ghi nhận việc Ngân hàng thu hồi tài sản bảo đảm (Bao gồm cả động sản và bất động sản)

- Ghi nhận các cuộc Đại hội/ Họp của Hội đồng cổ đông/ cổ đông

- Ghi nhận việc góp vốn, cho vay, nợ, thanh toán tiền

- Ghi nhận việc mua bán, trao đổi

- Ghi nhận tài sản có trước, trong thời kỳ hôn nhân, gộp hoặc chia tách tài sản của vợ chồng.

- Ghi nhận việc thuận phân chia tài sản của 2 vợ chồng (đang trong thời kỳ hôn nhân hoặc trước/ sau khi ly hôn.

- Ghi nhận việc giao- nhận con cho nhau

- Ghi nhận việc tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án các cấp trong lĩnh vực dân sự.

- Ghi nhận việc bố mẹ phân chia tài sản cho con.

- Ghi nhận nội dung các cuộc họp gia tộc, gia đình; Các cuộc họp khác của cá nhân, tổ chức, cơ quan không trái với quy định của pháp luật

- Ghi nhận việc phân chia tài sản, di sản thừa kế

- Ghi nhận việc gộp hoặc chia tách nhà đất, dồn điền đổi thửa.

- Ghi nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng

- Ghi nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê

- Ghi nhận tình trạng nhà khi mua nhà

- Ghi nhận tình trạng nhà đất bị lấn chiếm, nhà đất, tài sản bị chiếm giữ trái pháp luật

- Ghi nhận hàng giả bày bán tại cơ sở kinh doanh, thương mại

- Ghi nhận việc giao hàng kém chất lượng

- Ghi nhận hành vi cạnh tranh không lành mạnh

- Ghi nhận mức độ ô nhiễm của nguồn nước, không khí, môi trường…

- Ghi nhận sự chậm trễ trong thi công công trình

- Ghi nhận tình trạng công trình trước, trong và sau khi nghiệm thu

- Ghi nhận hiện trạng trong các lĩnh vực: Sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt…

- Ghi nhận các hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực tin học, báo chí, phát thanh, truyền hình như: Đưa thông tin không đúng sự thật, khi chưa được phép, vu khống…

- Ghi nhận tình trạng, mức độ thiệt hại của cá nhân, tổ chức do người khác gây ra.

- Ghi nhận việc từ chối thực hiện công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện.

- Ghi nhận các sự kiện pháp lý khác nhưng pháp luật chưa/hoặc quy định thuộc thẩm quyền cơ quan công chứng, UBND các cấp hoặc cơ quan chức năng khác.

IV. Giá trị pháp lý của Vi bằng:

Việc lập vi bằng trong các giao dịch về dân sự không những là căn cứ để các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời hạn các cam kết, thỏa thuận của các bên, mà còn là nguồn chứng cứ quan trọng để Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra.

Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại sẽ tư vấn cho các bên yêu cầu hoặc tham gia lập vi bằng sao cho việc giao dịch, các thỏa thuận, cam kết được minh bạch, chặt chẽ, đúng pháp luật. Vì vậy, vi bằng còn có tác dụng trực tiếp ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro, tranh chấp tiềm ẩn trong các giao dịch dân sự.

Về lâu dài, vi bằng chắc chắn sẽ gián tiếp góp phần  giảm thiểu hồ sơ khiếu kiện và thời gian, công sức xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ của các cơ quan tố tụng.

Hoạt động tống đạt của Thừa phát lại sẽ góp phần tích cực trong việc hỗ trợ cho Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự tập trung tốt hơn vào các công tác xét xử, kiểm sát và thi hành án dân sự, do đó cũng sẽ gián tiếp góp phần giảm bớt  lượng án còn tồn đọng nếu có.

Tin liên quan


Cùng Chuyên mục