Tôi năm nay tuổi đã ngoài 70 cái tuổi cũng đã cao, không muốn sống đến tuổi này rồi mà khi mất đi con cháu tôi tranh giành nhau những tài sản có giá trị như vàng, tiền và nhà cửa mà tôi hiện đang sở hữu, nên tôi mong muốn lập di chúc, khi hỏi một số người hiểu biết thì được họ tư vân tôi có thể lập vi bằng ghi nhận sự kiện lập di chúc của tôi. Vậy Thừa phát lại cho tôi hỏi về những quy định của Pháp luật về di chúc, nếu tôi lập di chúc bằng việc lập vi bằng thì có giá trị pháp lý không?
Cụ Nguyễn Thị Hương - Hà Đông - Tp Hà Nội
Lời đầu tiên, xin chúc cụ luôn vui vẻ, mạnh khoẻ và hạnh phúc sum vầy bên các con cháu.
Với câu hỏi của cụ, Văn phòng Dịch vụ Thừa phát lại xin được phép trả lời cụ như sau:
Di chúc là gì?
Theo quy định tại Điều 624 của Bộ luật dân sự 2015 thì:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Điều 627 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về Hình thức của di chúc
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng
Như thế nào được gọi là di chúc Hợp pháp
Khoản 1 Điều 630 quy định về Di chúc hợp pháp phải có các điều kiện sau:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Như vậy, pháp luật quy định Di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc lập di chúc bằng miệng. Di chúc bằng văn bản có 2 loại là một loại có người làm chứng và một loại không có người làm chứng. Trong trường hợp cụ lập di chúc bằng việc lập Vi bằng thì người làm chứng là Thừa phát lại, Thừa phát lại sẽ ghi nhận sự việc của cụ, kể cả trong trường hợp cụ lập di chúc bằng miệng hoặc bằng văn bản, bởi Thừa phát lại là người được Cơ quan Nhà nước Ủy quyền để làm các công việc về Lập vi bằng, Thi hành án, Tống đạt giấy tờ và một số công việc khác theo quy định của Pháp luật.
>> Xem thêm: Lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi chia tài sản trong gia đình
Thẩm quyền lập Vi bằng
Tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, có quy định về thẩm quyền lập vi bằng như sau:
Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc.
Như vậy, theo quy định trên thì thừa phát lại có thẩm quyền lập vi bằng ghi nhận sự việc lập di chúc của cụ.
Giá trị pháp lý của vi bằng:
Giá trị pháp lý của vi bằng được quy định tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Do vậy, cụ có thể yên tâm lập di chúc bằng việc lập vi bằng thông qua Văn phòng thừa phát lại. Giá trị pháp lý của bản di chúc mà cụ lập thông qua việc lập vi bằng đó được pháp luật ghi nhận và bảo đảm.