Thừa phát lại và những kỷ niệm gỡ rối pháp lý cho doanh nghiệp

(PLO) - Thời gian qua, các Văn phòng Thừa phát lại góp phần không nhỏ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện các giao dịch và trong các quá trình tố tụng tư pháp... 


 Các Thừa phát lại đang lập vi bằng trong một vụ việc

Thu thập bằng chứng để tự bảo vệ

Việc xuất hiện các thỏa thuận, giao dịch… xảy ra trong cuộc sống ngày càng nhiều, vì thế không tránh khỏi những tranh chấp mà các DN không thể lường trước được. Tranh chấp thương mại là một trong những tranh chấp điển hình và DN cũng là một trong những chủ thể của quan hệ tranh chấp này. 

Khác với việc giải quyết các vụ án hình sự, trong việc giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại, Tòa án không tiến hành điều tra mà đương sự phải cung cấp chứng cứ, trừ một số trường hợp nhất định.

Hay nói cách khác, trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Do đó, các DN phải tự thu thập chứng cứ để chứng minh cho mình khi có tranh chấp xảy ra.

Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ là cả một quá trình, đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Hơn nữa, những chứng cứ mà các đương sự thu thập được có đúng quy định pháp luật về thủ tục thu thập chứng cứ hay không, có giá trị chứng cứ để Tòa án sử dụng để giải quyết tranh chấp tại Tòa hay không lại là một vấn đề khác.

Bởi các loại chứng cứ mà bên kia tự tạo để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, thường được đánh giá là hướng lợi cho bên đưa ra chứng cứ và do vậy ít được đánh giá cao, không đảm bảo tính pháp lý, không đủ độ tin cậy. Vấn đề này đã dẫn đến hệ quả tất yếu về nhu cầu thu thập chứng cứ của DN.

Chính vì vậy, với giá trị chứng minh cao, vi bằng trở thành một công cụ hữu hiệu đối với các DN trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp xảy ra. Vi bằng còn là căn cứ pháp lý để các DN thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

>>> Lập vi bằng ghi nhận các sự việc của doanh nghiệp

Những kỷ niệm thú vị 

Thực tế, có thể nhận thấy được sự hữu hiệu và cần thiết của vi bằng đối với DN  trong các trường hợp cụ thể sau: DN phải chịu thiệt hại liên quan đến hàng hóa bị làm giả đang được sản xuất hoặc bày bán ở một cơ sở nào đó.

Trong trường hợp này, Thừa phát lại có thể lập vi bằng, tạo chứng cứ pháp lý trước khi yêu cầu bên đối lập chấm dứt hành vi, bồi thường thiệt hại. Việc Thừa phát lại lập vi bằng về vụ việc này giúp DN tiết kiệm thời gian thu thập chứng cứ, đồng thời có được nguồn chứng cứ (vi bằng) đảm bảo giá trị chứng minh khi khởi kiện ra Tòa.

Hay như trường hợp DN đang bị thiệt hại về việc đối tác mua bán giao hàng hóa hoặc đối tượng mua không đúng theo thỏa thuận hợp đồng, Thừa phát lại sẽ đáp ứng yêu cầu của DN lập vi bằng ghi nhận việc đối tác giao sản phẩm không đúng chất lượng. Ví dụ, hai DN đã ký hợp đồng mua 100 tấn gạo, đã hoàn tất thủ tục giao nhận hàng.

Tuy nhiên, sau đó bên mua phát hiện trong lô hàng có lẫn 40 tấn gạo không đảm bảo chất lượng. Để ghi nhận việc vi phạm hợp đồng về chất lượng hàng hóa của bên bán, DN bên mua có thể yêu cầu Thừa phát lại đến tận kho hàng của mình để ghi nhận hiện trường.

Một trường hợp cụ thể xảy ra ở TP HCM như sau: Tập đoàn N là chủ thầu của dự án xây dựng chung cư 45 tầng tại quận 2, trong quá trình xây dựng, Tập đoàn đã ký hợp đồng dịch vụ của một DN về việc xây dựng hệ thống ống thoát nước.

Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện hợp đồng, Tập đoàn N và DN kia đã xảy ra tranh chấp, Tập đoàn N không muốn tiếp tục hợp đồng trong khi hệ thống ống thoát nước đã được lắp đặt đến tầng 20.

Để tránh xảy ra tranh chấp về sau, khi mà Tập đoàn N ký hợp đồng dịch vụ lắp đặt hệ thống ống thoát nước với DN khác, Tập đoàn N có thể yêu cầu Thừa phát lại đến hiện trường để ghi nhận phần công việc đã được thực hiện cũng như các khoản thanh toán của hai bên. Trong trường hợp này, vi bằng của Thừa phát lại giúp cho Tập đoàn N hạn chế được những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.

Hay như tình huống chủ một DN ở TP HCM dự định mở rộng thị trường kinh doanh đồng thời kinh doanh thêm một số mặt hàng ô tô từ nước ngoài, tuy nhiên lại bị hạn chế về vốn. Chủ DN có bạn thân đủ điều kiện và muốn cùng ông thực hiện dự án này nhưng vì e ngại trước thủ tục chuyển đổi DN tốn nhiều thời gian, người góp vốn cũng không thể trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh vì lý do sức khỏe.

Do đó, hai bên đã thỏa thuận việc góp tiền thực hiện kinh doanh và hưởng lợi nhuận. Vì tin tưởng nên hai bên không ký hợp đồng. Trong trường hợp này, hai bên có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà vẫn có thể giữ được mối quan hệ thân thiết bằng việc yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên…

Lấp chỗ trống cho công chứng, chứng thực

Vi bằng có giá trị chứng cứ, do đó, đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho DN trong việc thực hiện các giao dịch trong kinh doanh và trong việc giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai mà các DN không lường trước được. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Đảm bảo hạn chế tối đa các tranh chấp có thể xảy ra.

Việc lập vi bằng của Thừa phát lại đáp ứng nhu cầu của DN trong việc xác nhận một giao dịch mà cả tổ chức hành nghề công chứng lẫn UBND các cấp đều từ chối xác nhận vì giao dịch đó không thuộc thẩm quyền xác nhận của họ, miễn là giao dịch đó không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không xâm phạm bí mật đời tư…

Theo Báo pháp luật

Tin liên quan


Cùng Chuyên mục