Để phù hợp với kinh nghiệm lịch sử pháp luật Thi hành án dân sự của Việt Nam và xu hướng phát triển pháp luật Thi hành án của các nước trên thế giới, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị đã xác định “Nghiên cứu việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp” là chủ trương lớn và quan trọng.
Nhằm thực hiện chủ trương này, ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/02/2009 về việc phê duyệt Đề án; Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 30/09/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Tp. Hồ Chí Minh; Nghị định số 135/2013/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP, theo đó sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó có Hà Nội.
Sau hơn 10 năm thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác; giờ đây, Chính phủ đã ban hành nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định thống nhất, cụ thể về Thừa phát lại. Nghị định ra đời là tin vui cho các tổ chức, cá nhân liên quan tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có Văn phòng Thừa phát lại.
Nghị định quy định Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật (Khoản 1, Điều 2).
Thừa phát lại được lập vi bằng trên phạm vi cả nước
Theo Khoản 1, Điều 36 của Nghị định này quy định:
"Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc..."
Trước đây, Nghị định 61 và Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61 chỉ quy định Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại và theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này, các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại không bó hẹp trong phạm vi tỉnh thành nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại như trước đây mà đã được mở rộng trên phạm vi cả nước.
Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án ngoài địa bàn đặt trụ sở Văn phòng
Căn cứ Khoản 1 Điều 44 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định: Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có quyền thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án kể cả trong trường hợp vụ việc đó đang do cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành.
Theo Điều 43 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại được quy định như sau:
“Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.
Khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở."
Mặc dù cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành vụ việc, nhưng Đương sự vẫn được quyền yêu cầu Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Và Thừa phát lại khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án có quyền xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.