Xác nhận việc giao hàng kém chất lượng, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hàng giả bày bán tại cơ sở kinh doanh, thương mại, hay để chứng minh hàng hóa sản phẩm bày bán là hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng giúp lấy lại uy tín, danh dự hoặc có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại là một sự việc diễn ra khá phổ biến.
Nhà bà NTC mở cửa hàng tạp hóa tại Thành phố Bắc Ninh và đã buôn bán được nhiều năm nay. Do có mâu thuẫn với bà NTC từ trước, bà CH đã đi rêu rao, bịa chuyện với mọi người về hàng hóa nhà bà NTC bán là hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó mà cửa hàng nhà bà NTC bị tẩy chay, ảnh hưởng tới kinh doanh và mưu sinh của bà NTC. Khi tìm hiểu rõ nguyên do, bà NTC đã tới gặp và nói chuyện rõ ràng yêu cầu bà CH bồi thường thiệt hại do tin đồn của bà CH gây ra. Nhưng bà CH không đồng ý, mà vẫn giữ thái độ không nhận lỗi.
Bà NTC tới Văn phòng Thừa phát lại nhờ Thừa phát lại tư vấn để lập vi bằng để ghi nhận sự việc trên. Tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, Thừa phát lại giải thích nội dung cách thức lập vi bằng và ý nghĩa của vi bằng đó.
Theo như quy định tại Điều 34 của Bộ luật dân sự 2015 (Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín) thì ở trường hợp này bà NTC hoàn toàn có đủ điều kiện để yêu cầu bà CH bồi thường về những ảnh hưởng mà bà CH đã gây ra. Do đó việc lập vi bằng trong tình huống này cũng là một cách để bà NTC có đủ chứng cứ cụ thể yêu cầu bà CH bồi thường cho mình.
Thừa phát lại sẽ lập vi bằng ghi nhận lại những thiệt hại mà bà NTC phải chịu do những tin đồn không đúng gây ra, ghi nhận chi tiết những nội dung mà bà CH đã nói với mọi người dân xung quanh .....
Cùng với đó hướng dẫn bà NTC thủ tục, trình tự làm việc với cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Từ đó có thể giúp cho bà NTC được bồi thường một cách hợp lý về cả vật chất và danh dự, nhân phẩm của bà trong thời gian xảy ra sự việc.